Earl Grey Madeleine
Chắc là mình sẽ không phải giới thiệu quá nhiều về “nàng thơ” Madeleine này nữa nhỉ? Là một loại petit gâteau thường xuất hiện trong các buổi tiệc trà, hình dạng vỏ sò nhỏ nhắn cùng mùi bơ quyến rũ, thật khó để từ chối cắn thử một miếng. Và thời gian gần đây, không riêng những buổi tiệc trà của Pháp, mà món bánh Madeleine đã chu du đến rất nhiều nơi trên thế giới. Xuất hiện trong các quán cà phê, những hộp quà biếu, và ngay cả mạng xã hội nữa (≧▽≦).
Giờ đây nàng ý đã mang nhiều hình dạng, kích cỡ, hương vị. Phiên bản đầu tiên mình giới thiệu đến mọi người sẽ là “Earl Grey Madeline”.(Và hứa hẹn đây sẽ không chỉ là phiên bản duy nhất xuất hiện trên blog của mình). Mùi của bơ hòa quyện với mùi trà thơm nồng, chỉ nướng thôi mà trong bếp của mình đã tràn ngập hương thơm rồi, cái mùi hương lãng mạn, ngọt ngào, y như “nàng” vậy. Mình dùng bã trà để cho vào giúp bánh dậy mùi hơn, đồng thời điểm xuyết một vài chấm nhỏ li ti trông cũng bắt mắt hơn nữa. Màu bánh cũng có chút nâu hơn.
À một lưu ý nhỏ trước khi chúng ta bắt đầu, để mọi người tiện sắp xếp : là nếu mọi người có thời gian thì nên để bột nghỉ trong tủ mát ít nhất là 2 tiếng đến 1 ngày, để hương vị bánh ngon hơn, phần bột trộn được nghỉ giúp bánh mềm ẩm, và nở đẹp hơn nhé. Phần bột có thể được bọc kín và bảo quản trong tủ mát đến 2 ngày và nướng bất kỳ lúc nào mọi người có thời gian. Giờ thì: LET’S DO IT! \(≧▽≦)/
CÔNG THỨC: (cho 21 vỏ sò khuôn Chiyoda)
-130gr trứng (nhiệt độ phòng
-169gr đường cát
-1 hoặc 2 túi trà lọc Earl Grey (2 túi nếu mọi người muốn mùi đậm và rõ hơn)
– 48gr sữa
– 169gr bột mì số 8
– 7gr baking powder
- 169gr bơ động vật đun chảy (loại 82% béo)
CÁCH LÀM :
1. Hâm ấm sữa và ngâm cùng túi trà trong 30′ (lượng sữa nên nhiều hơn so với công thức vì túi trà sẽ hút sữa), mình thường ngâm 2 túi với 150ml sữa và khi thêm vào công thức thì đong từ lượng sữa đã ngâm này.
2. Trộn trứng ở nhiệt độ phòng đến khi tan. Sau đó thêm đường và đánh bông.
3. Khi toàn bộ đường đã tan thì thêm 48gr sữa đã ngâm trà và phần bã trà từ 1 túi lọc vào hỗn hợp trứng.
4. Trong một tô sạch ray bột cùng baking powder và trộn đều, sau đó trộn cùng với hỗn hợp ướt.
5. Hâm chảy bơ và thêm từ từ từng lượng nhỏ vào hỗn hợp. Trộn đều sau mỗi lần thêm.
6. Bọc kín bột và để ngăn mát tủ lạnh, nghỉ ít nhất 2 tiếng và nhiều nhất là 2 ngày. Lí do mình đã nêu ở trên.
7. Sau khi cho bột nghỉ và làm nóng lò ở 200°C, cho bột vào túi bắt kem và bơm vào khuôn đã được áo bột chống dính (cách áo như mình đề cập trong bài bánh poud). Chỉ bơm 2/3 khuôn để bột nở đẹp.
8. Nướng ở 200°C trong 5′ đầu và 180°C thêm 7′. Thời gian có thể tùy thuộc vào mỗi lò. Bánh chín là khi “bụng” nở cao, viền bánh hơi sậm màu. Lấy bánh ra khỏi khuôn, để nguội.
Yêu cầu để có một chiếc Madeline đẹp là vỏ vàng, viền hơi nâu, bụng nở cao, bánh xốp. Và để đạt được những yêu cầu đó thì ngoài thời gian và nhiệt độ, khâu nghỉ bột rất quan trọng, mọi người không nên bỏ qua nhé. Khi bột nghỉ phần bơ sẽ cứng lại, gluten trong bột được nghỉ ngơi, đồng thời sự thay đổi đột ngột nghiệt độ từ lạnh sang nóng sẽ giúp bánh đạt được những yêu cầu mong muốn.
Vậy là tất cả bí kíp để có một “nàng thơ” mình đã gửi đến các bạn rồi. Chúc mọi người thành công có riêng cho mình một hoặc nhiều nàng Madeleine trong buổi trà chiều sắp tới nhé. See ya! (⌒▽⌒)☆
Nếu thấy bài viết hay và có ích mọi người có thể ủng hộ mình chút kinh phí tiếp tục xây dựng website để có thể chia sẻ nhiều hơn trong tương lai. (Thông qua ví điện tử Momo tại link này). Số tiền tùy ở tấm lòng nhưng mình thật sự rất trân trọng và cảm ơn mọi người. (◍•ᴗ•◍)❤
Ngoài ra có thể tham gia group Facebook “Tự học bánh Âu” để cùng học hỏi công thức, kiến thức mới hằng tuần. Cũng như nhận tài liệu hay về bánh.
Nếu cần liên lạc gấp hãy tìm mình ở đây: fanpage của InCake. Mình sẽ cố gắng trả lời inbox nhanh nhất có thể (⌒▽⌒)♡